Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước

VHO- Từng giai điệu, từng nhịp khắc quyện hòa và nóng hổi hơi thở cuộc sống của mọi miền Tổ quốc sẽ được hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ Bắc - Trung - Nam cùng hòa ca trên sân khấu đặc biệt Chung một niềm tin, sẽ khai màn Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam...

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 1

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 2

 Các nghệ nhân, nghệ sĩ nỗ lực tập luyện dưới cái nắng, cái mưa

Diễn ra vào tối nay 16.11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đây là sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Dòng chảy lấp lánh đa âm sắc

“Với thời lượng 90 phút, Chung một niềm tin có nhiều nét mới, đó là sự tổng hòa những âm điệu, bản sắc văn hóa riêng có của các vùng miền, tất cả cùng tụ hội tại đây để dệt nên một bài ca đẹp ca ngợi đất nước, quê hương”, NSƯT Trường Bắc, Phó Tổng đạo diễn chương trình “bật mí”.

Với tiêu chí đưa lên sân khấu những lát cắt sinh động, mộc mạc như chính cuộc sống thường ngày, 200 nghệ nhân trên cả nước đã được mời về “mái nhà chung” của các dân tộc Việt Nam để góp mặt trong chương trình, khoảng 100 nghệ nhân sẽ tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng. “Chung một niềm tin là một dòng chảy âm sắc thực sự quyến rũ, BTC đã mời các nghệ nhân chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, đó là những giai điệu đặc trưng của âm nhạc dân tộc Chăm hòa cùng tiếng trống Ginăng, là âm hưởng mời gọi của cồng chiêng Tây Nguyên, cồng Mường, là Chầu văn Huế, Ví giặm Nghệ Tĩnh, Bài chòi Nam Trung Bộ...”, NSƯT Trường Bắc cho biết. Phó Tổng đạo diễn đêm nghệ thuật cũng chia sẻ, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là sự kiện tầm vóc, bởi vậy, yếu tố văn hóa, bản sắc riêng độc đáo quyện hòa trong một diện mạo tổng thể được chú trọng ngay từ khi ý tưởng kịch bản hình thành. Nhiều loại hình diễn xướng dân gian, tinh hoa di sản được chọn lọc đưa lên sân khấu, tạo không gian đặc biệt để khán giả được sống cùng những thanh âm, giai điệu riêng có đến từ mọi vùng miền Tổ quốc.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 3

 Các nghệ nhân biểu diễn đón khách tại làng Xơ Đăng

Đêm khai mạc được kết cấu 3 phần: Biểu diễn khai mạc, nghi lễ và chương trình nghệ thuật. Sân khấu quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi đại diện các loại hình nghệ thuật trong cả nước: NSND Kiều Oanh (Huế), NSƯT Minh Phương, NSƯT Minh Lý (cải lương), NSƯT Xuân Đáng (cải lương), NSƯT Tố Nga, NSƯT Thanh Pháp (Chăm Bình Thuận), NSƯT Lương Huy, NSƯT Tiến Lâm (xứ Nghệ), nghệ sĩ Thu Hương (Quảng Nam), NSƯT Ploong Thiết (Tây Nguyên)..., cùng những giọng ca: Tân Nhàn, Lê Anh Dũng, Quách Thy, các nhóm nhạc Thăng Long, Phương Bắc, Pha Lê, Nhà hát Dân gian Việt Bắc, Đoàn Văn công Quân khu I…

Đêm khai mạc sẽ mở màn với phần đại hòa tấu nhạc cụ dân tộc ba miền mang tên Hồn Dân tộc, đưa người xem đắm mình trong dòng chảy văn hóa truyền thống, ngắm nhìn những trang phục cùng các loại hình nhạc cụ, đạo cụ tạo nên hồn cốt văn hóa cho mỗi vùng đất. Tiếp nối là phần tôn vinh trang trọng dành cho 90 cá nhân tiêu biểu, những tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. “Sân khấu được thiết kế kỳ công nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản trải dọc dải đất hình chữ S. Hào khí Lạc Hồng, Chung một niềm tin, Vinh quang Việt Nam là chủ đề của ba hợp phần, ở đó, âm nhạc, các hình thức diễn xướng và bản sắc của mỗi dân tộc sẽ được tỏa sáng trong chính sự đa dạng của mình”, Phó Tổng đạo diễn Trường Bắc tiết lộ.

Tự hào mang tới bản sắc quê hương

Những không gian địa lý được “thiết kế” bằng âm nhạc sẽ dẫn dắt người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc với điểm nhấn là những di sản đã được UNESCO ghi danh như Hát xoan, Quan họ, Ca trù, Hát văn… đến những lát cắt trong kho tàng diễn xướng khắc họa một vùng văn hóa độc đáo nơi núi rừng Tây Bắc; những giai điệu Chèo, Chầu văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ; dải đất miền Trung với những câu hò, điệu ví; Tây Nguyên đại ngàn với những âm thanh mô phỏng sự hùng vĩ của núi rừng; những loại hình diễn xướng, hát đối, nhạc tài tử… thể hiện nét hào sảng và điệu nghệ của vùng đất phương Nam.

Kết thúc chương trình nghệ thuật, tất cả các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng xuất hiện trong một bản hòa âm của các loại nhạc cụ các dân tộc. Theo NSƯT Trường Bắc: “Phần kết mang chủ đề Vinh quang Việt Nam sẽ là màn biểu diễn tập thể, biểu tượng cho sự gắn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vòng xòe đại đoàn kết sẽ khép lại đêm nghệ thuật với nhiều ấn tượng đẹp…”.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 4

 Diễn viên “đội nắng” luyện tập

Hào hứng, mong chờ là cảm xúc của các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng tụ lại dưới “mái nhà chung” để cất lên bản hòa ca đẹp nhất về quê hương, đất nước. Lần đầu tiên góp mặt trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”, NSƯT Tiến Lâm (Đoàn Văn công Quân khu IV) xúc động cảm ơn chương trình đã mời anh tham dự, giúp anh có cơ hội cất lên những làn điệu dân ca của quê hương trên một sân khấu đặc biệt. NSƯT Tiến Lâm sẽ biểu diễn tiết mục Về miền Ví, Giặm cùng NSƯT Tố Nga và tốp ca nam. “Sinh ra, lớn lên và được tắm mình trong lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở còn nằm nôi, đến khi theo con đường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ quên những làn điệu Ví, giặm quê nhà, thật tự hào khi nó đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại ngày hội Đại đoàn kết này, tôi vô cùng mong mỏi thời khắc được đứng trên sân khấu biểu diễn, giới thiệu tới công chúng loại hình văn hóa “đặc sản” độc đáo của xứ Nghệ…”, NSƯT Tiến Lâm tâm sự.

Mang về mái nhà chung nghệ thuật Bài Chòi của khu vực Nam Trung Bộ, nghệ sĩ Thu Hương (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) chia sẻ, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là cơ hội để các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ mọi vùng miền giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa riêng của quê hương mình. “Ai từng đến Hội An hay nhiều vùng khác trên dải đất miền Nam Trung Bộ hầu như đều được biết đến Bài Chòi. Nhưng để nét văn hóa này được hòa quyện và tỏa sáng cùng các loại hình âm nhạc, nghệ thuật dân gian khác một cách mộc mạc, thuần chất như nó vẫn tồn tại trong đời sống thì sân khấu của chương trình chính là một niềm mong đợi của chúng tôi”, cô cho biết. Trong chương trình, nghệ sĩ Thu Hương sẽ cùng biểu diễn với nghệ sĩ Huyền Tân (Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng) với tiết mục Phút thư giãn với hội Bài Chòi.

Sẽ trình diễn làn điệu Chầu văn Âm sắc Hương Bình mang âm hưởng văn hóa Huế, NSND Kiều Oanh (Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế) cho biết: “Nhận lời mời từ chương trình, tôi vinh dự đưa Chầu văn Huế về biểu diễn trên sân khấu lớn của Thủ đô. Chầu văn là loại hình nghệ thuật độc đáo trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt, đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Làn điệu Chầu văn Âm sắc Hương Bình mang nét riêng, ca ngợi xứ Huế, phong cảnh và di sản Huế. Các làn điệu ca Huế thì có rất nhiều, nhưng hầu hết đều buồn man mác, mang tính chất đằm thắm của Huế xưa. Nhưng tôi nghĩ nếu lựa chọn để hòa sắc với văn hóa các dân tộc, vùng miền khác thì nên chọn những làn điệu có tiết tấu nhộn nhịp, vui tươi, đó là Âm sắc Hương Bình”.

NSND Kiều Oanh chia sẻ, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là một ngày hội kết nối, lan tỏa những giá trị văn hóa đa dạng nhưng thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ những nét văn hóa riêng không trộn lẫn từ các vùng miền. “Đây đúng là một ngày hội lớn! Chúng tôi đang rất mong chờ sân khấu đặc biệt ấy được mở màn”, NSND Kiều Oanh hào hứng. 

 

  Đêm khai mạc sẽ mở màn với phần đại hòa tấu nhạc cụ dân tộc ba miền mang tên Hồn Dân tộc, đưa người xem đắm mình trong dòng chảy văn hóa truyền thống, ngắm nhìn những trang phục cùng các loại hình nhạc cụ, đạo cụ tạo nên hồn cốt văn hóa cho mỗi vùng đất. Tiếp nối là phần tôn vinh trang trọng dành cho 90 cá nhân tiêu biểu, những tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở...

 Nhận lời mời từ chương trình, tôi vinh dự đưa Chầu văn Huế về biểu diễn trên sân khấu lớn của Thủ đô. Chầu văn là loại hình nghệ thuật độc đáo trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt, đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Làn điệu Chầu văn Âm sắc Hương Bình mang nét riêng, ca ngợi xứ Huế, phong cảnh và di sản Huế. Các làn điệu ca Huế thì có rất nhiều, nhưng hầu hết đều buồn man mác, mang tính chất đằm thắm của Huế xưa. Nhưng tôi nghĩ nếu lựa chọn để hòa sắc với văn hóa các dân tộc, vùng miền khác thì nên chọn những làn điệu có tiết tấu nhộn nhịp, vui tươi, đó là Âm sắc Hương Bình.

(NSND KIỀU OANH, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế)

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 5

NSƯT TRƯỜNG BẮC (áo đen)

Để tái hiện các không gian diễn xướng gắn liền với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO tôn vinh và cần bảo vệ, chúng tôi đã mời các nghệ nhân đến từ các miền di sản này tham gia chương trình. Việc tập luyện đã được thực hiện từ nhiều ngày qua. Căn cứ vào kịch bản, chúng tôi cân nhắc kỹ sở trường của các biên đạo múa, thống nhất với họ về những nội dung đưa lên sân khấu, sau đó đưa họ về các đơn vị để dàn dựng.

Buổi hợp luyện đầu tiên diễn ra vào chiều ngày 14.11. Thời tiết nắng nóng nhưng các nghệ sĩ xuống xe là lên sân khấu tập luyện ngay. Trong buổi tổng duyệt tối 15.11, chúng tôi sử dụng flycam để ghi lại hình ảnh từ trên cao. Những hình ảnh ấy sẽ được cấy ghép vào chương trình truyền hình trực tiếp tối 16.11 để tạo thêm hiệu quả nghệ thuật cho chương trình.

(NSƯT TRƯỜNG BẮC, Phó tổng đạo diễn chương trình khai mạc)

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 6

Buổi hợp luyện đầu tiên diễn ra trong nắng nóng gay gắt, các nghệ sĩ phải mặc áo chống nắng, khăn chùm mặt trông như những "ninja" trên sân khấu. Buổi hợp luyện thứ 2 thời tiết chuyển mưa rét nhưng các nghệ sĩ vẫn say mê tập luyện. Chúng tôi là “lính”, khổ thế nào cũng khắc phục được, chịu được, miễn sao đạt được chất lượng nghệ thuật để mang đến hiệu quả cao khi biểu diễn chính thức.

(NSƯT NGUYỄN CHIẾN THẮNG, Biên đạo múa của Đoàn Văn công Quân khu I)

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 7

Chương trình năm nay tái hiện nhiều không gian diễn xướng của các miền di sản. Vì thế, việc kết hợp vũ điệu cùng với đạo cụ rất quan trọng, không chỉ làm tiết mục trở nên sinh động hơn mà còn mang tới cảm giác chân thực, gần gũi hơn cho khán giả. Các tiết mục nghệ thuật sẽ tập trung phản ánh nét sinh hoạt cộng đồng, dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

(NSƯT PHẠM QUỲNH DƯƠNG, Biên đạo múa của Nhà hát Ca múa nhạc VN)

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 8

Trong chương trình khai mạc “Chung một niềm tin”, Nhà hát chúng tôi có 49 nghệ sĩ tham gia trong 5 tiết mục: Người Mèo ơn Đảng (dân tộc H’Mông); Hát hầu văn Huế; múa hát Mùa xuân hội đua thuyền Ghe-ngo (đồng bào Khơ-me)… Việc tập luyện đã được triển khai nhiều ngày rồi. Trong số các nghệ sĩ của nhà hát tham gia chương trình, có nhiều người lần đầu được biểu diễn ở một chương trình nghệ thuật tầm vóc nên họ rất hào hứng tập luyện. Ai cũng muốn nắm bắt cơ hội để thể hiện mình trước khán giả một cách ấn tượng nhất.

Chúng tôi cũng muốn thông qua chương trình này thêm một lần khẳng định thương hiệu của các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, cái nôi sưu tầm và gìn giữ những bài bản, vũ điệu của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc.

(Ông HÀ QUANG HUY, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc)

Tôi rất vui khi biết mình được tham gia trong chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”. Ngoài ra, tôi vẫn biểu diễn đón khách tại khu làng người Xơ Đăng. Thời gian qua tôi đã sưu tầm thêm được một số bài bản tưởng đã thất truyền. Khi tôi về quê ở Đắk Tô (Kon Tum) và biểu diễn những bài bản này, những người lớn tuổi trong buôn đã bật khóc. Thậm chí, khóc nức nở. Từ lâu rồi họ đã không được nghe những thanh âm này.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam: Những thanh âm mang dáng hình đất nước - Anh 9

Bây giờ người trẻ không còn mặn mà với đàn Klông-pút. Chỉ là mấy ống nứa thôi nhưng để điều khiển được nó, biểu diễn nó theo những bài bản của người Xơ Đăng thì không dễ chút nào. Chỉ riêng việc vỗ tay phát ra được âm thanh cũng là một vấn đề. Muốn chơi được đàn Klông-pút thì việc đầu tiên là phải hiểu văn hóa của người Xơ Đăng. Cho tới giờ tôi mới tìm được hai người để truyền dạy, nối nghề. Họ cũng không còn trẻ, ngoài 40 rồi nhưng như thế vẫn là mừng. Chứ trước đây, cứ dạy được ai biết chơi nhưng hết hợp đồng làm việc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, về quê là họ bỏ, họ quên. Đến với làng Xơ đăng những ngày này, du khách sẽ được xem biểu diễn, được giới thiệu về cách làm đàn, các bài bản nhạc dân gian và thưởng thức hương vị ẩm thực của người Xơ Đăng chúng tôi.

(Nghệ nhân đàn KLÔNG-PÚT Y SINH)

NG.NHI (thực hiện)

 

PHƯƠNG ANH; ẢNH:VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc